Một truyện ngắn dựa trên câu chuyện có thật.
Chiến tranh đã đi qua để lại biết bao nhiêu đau thương và mất mát. Nó đã cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng của các chiến sĩ – cướp đi người ông, người cha, người chú… của những đứa con thơ còn khát sữa mẹ. Biết bao nhiêu các chiến sĩ đã nằm xuống mãi mãi trong lòng đất lạnh kia, cướp đi biết bao nhiêu xương máu của các thương binh bây giờ.
Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng với bố tôi – một cựu chiến binh, kí ức về đồng đội, về những năm tháng gian khổ vẫn còn hiển hiện đâu đây.
Ngày nhận được lệnh nhập ngũ, bố tôi đã giấu mẹ, mẹ không hề hay biết rằng bố sẽ nhập ngũ. Vậy nên bố âm thầm chuẩn bị đồ đạc để lên đường. Nhưng ở chung một nhà thì làm sao mà bố có thể giấu mẹ mãi được, mẹ tôi thấy vậy đã hỏi bố, thế là bố bảo: “Anh chuẩn bị đồ đạc để mai đi làm xa, chuyến này chắc chắn lâu đó em à!”. Mẹ tôi chỉ mỉm cười hiền, chắc có lẽ mẹ nghĩ lần này cũng như những lần đi làm xa trước – bố đi rồi lại về sớm thôi. Mà mẹ đâu biết rằng chuyến đi lần này có thể là chuyến đi mãi mãi không ngày trở lại…
Ngày nhập ngũ, họ hàng đến nhà tôi đông lắm, mọi người đến nào là hỏi thăm, nào là cho quà bố mang đi xa… Mẹ tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cả. Và, bố đến bên mẹ rồi nghẹn ngào nói: “Anh nhận được lệnh nhập ngũ, hôm nay là ngày anh lên đường”. Vậy là mẹ tôi vỡ òa trong nước mắt, mẹ ôm chầm lấy bố mà khóc. Lúc bố đi, mẹ bế chị tôi trên tay và tiến lại gần bố, mẹ nói trong nghẹn ngào: “Con ôm bố đi”.

Vậy là bố tôi đã nhập ngũ, vậy là từ nay mẹ tôi phải sống thiếu người đàn ông của gia đình, chị tôi phải sống thiếu tình cảm của bố và ông bà tôi phải “nhường” con trai mình cho Tổ quốc. Mẹ chắc chắn đã khóc rất nhiều, những giọt nước mắt lo lắng vẫn còn lăn dài trên gương mặt mẹ, làm sao có thể kiềm nén nỗi đau khi chị tôi – đứa trẻ mười tám tháng tuổi – đã phải sống xa vòng tay yêu thương của bố. Mẹ lo lắng cho chị một thì lo cho bố mười, bởi chiến trường ngoài ấy mưa mìn bão đạn thế kia mà. Bố nhập ngũ lúc chị mười tám tháng tuổi, nỗi nhớ bố chỉ cất thành tiếng khóc chứ chưa biết nói thành lời. Người vợ trẻ nhớ chồng không ai san sẻ cùng, ai cũng hòa thành tiếng khóc.
Tôi còn nhớ bố nói với tôi rằng: “Chiến tranh, nó tàn khóc lắm con à, sống nay chết mai chẳng biết trước được điều gì”. Một lần đi lấy cơm, lúc đó đi đông lắm, đi cả một tiểu đoàn. Chú Tâm – người đồng đội chí cốt của bố – là người đi đầu tiên. Khi đi sắp đến thì chú dẫm phải bẫy của địch… và rồi mìn nổ! Bố đi đằng sau mà không tin vào mắt mình luôn. Chú ngã xuống, bố chạy lên đỡ lấy chú mà nước mắt chảy hòa tan cùng máu, cảm giác có cái gì đó nghẹn lại ở trong tim giống như vừa mất đi người anh em ruột của mình vậy. Rồi chuyện gì đến thì nó cũng đã đến, chú Tâm đã hi sinh trong lần đó.
Giờ tôi mới hiểu được tình đồng đội nó cao quý và thiêng liêng biết nhường nào. Cũng trong lần đó bố phải nhập viện và chuyển lên bệnh viện Trung ương để điều trị vì bố bị thương khá nặng. Lần đó do ảnh hưởng của mìn nên bố bị thương ở mắt trái và ở ngực. Cho đến bây giờ bên mắt trái của bố đã không còn thấy rõ được nữa. Chính vì điều trị khá lâu mà bố mất liên lạc với đồng đội và không còn viết thư gửi về cho mẹ hàng tháng như trước nữa. Từ đó mọi người cứ đồn rằng bố đã hi sinh trong lần đó. Rồi cứ thế tin đồn cứ lan rộng, cuối cùng cũng đến tai mẹ tôi. Nhưng một mực mẹ vẫn không tin những tin đồn kia, mẹ vẫn luôn nói với chị rằng: “Chắc bố con chưa kịp viết thư về cho mẹ con mình thôi”. Mẹ vẫn trấn an bằng cách đó nhưng nước mắt vẫn không ngừng rơi, sự lo lắng không thể không hiện hữu trên gương mặt khắc khổ của mẹ. Thời gian thấm thoắt trôi, vậy là bố đi cũng được bốn năm bảy tháng, chị tôi cũng đã được năm tuổi. Suốt những năm tháng qua chị tôi cứ luôn hỏi mẹ: “Bố con đâu?”. Mỗi lần chị hỏi là tim mẹ lại nhói lên nhưng mẹ vẫn cười hiền với chị, mẹ bảo: “Bố đi làm xa rồi con, chắc vài hôm nữa bố lại về”.
Bữa trưa hôm ấy, bố về nhà đột ngột, hai mẹ con đang ngồi ăn cơm. Nhìn thấy bố mẹ sững sờ buông rơi cái thìa đang cầm trên tay khi đang cho chị ăn trưa. Còn chị tôi cứ đứng bẽn lẽn nấp sau lưng mẹ. Mẹ quay sang nói với chị: “Bố đi làm rồi đó con, con lại ôm bố đi”. Bố bế chị lên, quay cuồng: “Con gái bố lớn thế này rồi kia à, nhớ con gái bố quá”. Bố ôm lấy mẹ thật chặt, thì thầm: “Anh về rồi đây, anh chẳng bỏ mẹ con em mà đi nữa đâu”. Thế là mẹ lại một lần nữa vỡ òa trong nước mắt nhưng lần này là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Ngày bố về là ngày đất nước được hòa bình, ngày bố về là ngày hạnh phúc nhất của mẹ.
Mỗi lần đến ngày 22/12 là bố lại khoác lên mình chiếc áo lính năm xưa, nhìn bố oai hẳn ra. Bây giờ tôi mới giải thích được rằng “vì sao mình lại yêu màu áo lính đến vậy”. Tôi yêu màu áo lính bởi đó là màu áo làm nên hòa bình và cũng chính là màu áo của bố.
=================================================================
- Đây là một câu chuyện có thật được kể lại bằng lời văn của bạn Lê Thị Kim Phương (Facebook: Phuong Le) – thành viên nhóm Truyền thông CLB Kết Nối Trẻ. Hi vọng các bạn có thể hiểu hơn một phần nào đó về chiến tranh cũng như hiểu hơn, đồng cảm hơn với gia đình của bạn.
- Một câu chuyện ý nghĩa về gia đình và cuộc sống phải không nào các bạn! Nếu thấy hay bạn có thể chia sẻ truyện ngắn này thay lời cảm ơn đến tác giả. Cảm ơn các bạn đã đọc